Cột mốc ba biên Việt Nam - Lào – Campuchia
Ở Kon Tum có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” đó là cột mốc ba biên. Cột mốc ba biên do Việt Nam, Lào và Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m so với mực nước biển, nơi có cảnh quan núi non trùng điệp, hùng vĩ. Nơi đây vừa là điểm bắt đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc biên giới Việt Nam – Lào.
Cột mốc ba biên
Việt Nam - Lào – Campuchia
Ở Kon Tum có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” đó là cột mốc ba biên. Cột mốc ba biên do Việt Nam, Lào và Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m so với mực nước biển, nơi có cảnh quan núi non trùng điệp, hùng vĩ. Nơi đây vừa là điểm bắt đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc biên giới Việt Nam – Lào.
Cột mốc ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia không chỉ là một công trình tượng trưng cho chủ quyền và lãnh thổ của 3 quốc gia, mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện lịch sử về tình hữu nghị, sự hợp tác xuyên biên giới và những kỷ niệm về những thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Chính vì vậy, cột mốc không chỉ có giá trị đối với Nhân dân ba nước, mà còn là một địa danh thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Họ đến đây để tìm hiểu về cột mốc, về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ, và nhất là để lưu lại những khoảng khắc đẹp bên sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ mỗi khi vào mùa.
Vào mùa khô Tây Nguyên, hoa dã quỳ bắt đầu nở rộ, phủ vàng khắp các triền đồivà những con đường dẫn lên cột mốc 3 biên (Ảnh: Lớp)
Tỉnh Kon Tum có chiều dài đường biên giới hơn 292 km tiếp giáp hai nước bạn Lào và Campuchia. Trong suốt chiều dài tuyến biên giới đó, có một vị trí đặc biệt đó là một quả đồi nằm ở độ cao 1.086 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Tại đây, vào năm 2007, một cột mốc ba biên đã được xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2008. Cột mốc là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Cột mốc được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng khoảng 1 tấn, cao 2m. Trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Phía Việt Nam thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phía Lào thuộc tỉnh Attapeu, phía Campuchia thuộc tỉnh Rattanakiri.
Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia được khởi công
ngày 29-11-2007,khánh thành ngày 18-1-2008 (Ảnh: LL)
Ở vị trí độc đáo này, cột mốc là điểm giao thoa của ba quốc gia, tạo thành một khu vực với nhiều nét văn hóa đặc trưng, vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng. Cột mốc cách thành phố Kon Tum khoảng 80km, cách Cửa khẩu quốc tế Bờ Y khoảng 10km. Đường đến cột mốc có thể hơi dốc, quanh co, nhưng đó chính là một phần của hành trình khám phá những giá trị vô giá của thiên nhiên hoang sơ ở khu vực này.
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp đến thăm cột mốc ba biên và thực sự “choáng ngợp” với cảnh sắc nơi đây. Cột mốc ba biên đang khoác lên mình tấm áo mới với sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ dọc theo những bậc thang dẫn lên cột mốc.
Vào mùa khô, mùa đặc trưng của Tây Nguyên, khi tiết trời trở nên se lạnh, hoa dã quỳ bắt đầu nở rộ, phủ vàng khắp các triền đồi và những con đường dẫn lên cột mốc ba biên. Loài hoa dại này không chỉ có sắc vàng rực rỡ mà còn mang trong mình biểu tượng của sức sống mãnh liệt và sự kiên cường trong điều kiện sống khắc nghiệt của vùng Cao Nguyên. Du khách đến cột mốc ba biên vào mùa dã quỳ sẽ được hòa mình vào không gian thơ mộng, nơi vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử giao hòa. Đây là nguồn cảm hứng bất tận cho du khách mỗi khi đến thăm nơi này.
Cột mốc ba biên không chỉ đơn thuần là một điểm mốc biên giới, mà còn là một chứng tích lịch sử quan trọng, được xây dựng nhằm khẳng định chủ quyền và sự đoàn kết giữa 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tại đây, vào những dịp lễ trọng đại, các nghi lễ chào cờ thiêng liêng được tổ chức tại đây, ba lá cờ của ba nước tung bay trong không gian bao la của núi rừng, làm sống dậy những ký ức về sự hợp tác xuyên biên giới, tình đoàn kết và tình hữu nghị sâu sắc giữa ba nước. Điều này không chỉ mang đến sự tự hào dân tộc mà còn là minh chứng cho tình bạn lâu dài giữa ba quốc gia láng giềng, góp phần xây dựng hòa bình và ổn định khu vực.
Quốc kỳ ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia tung bay dọc lối lên cột mốc
(Sưu tầm)
Cột mốc ba biên không chỉ là một điểm đến hấp dẫn về mặt địa lý mà còn là nơi gắn kết ba nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Mỗi bước chân du khách đến đây là một lần khám phá những điều mới mẻ về lịch sử, văn hóa và con người Kon Tum nơi vùng biên giới cực BắcTây Nguyên.
Thành viên Hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về báo chí, truyền thông tỉnh Kon Tum năm 2024 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc ba biên (Ảnh lớp)
Ngoài ý nghĩa lịch sử, cột mốc ba biên còn là nơi lưu giữ những câu chuyện văn hóa đặc sắc. Các dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đất này như Ba Na, Xơ Đăng, Brâu…, cùng các cộng đồng dân tộc Lào và Campuchia, đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo. Du khách có thể khám phá những ngôi làng truyền thống, tìm hiểu về cuộc sống, tập tục, lễ hội, và những món ăn đặc trưng của người dân Tây Nguyên.
Độc đáo lễ cúng trỉa lúa của người Brâu nơi ba biên (sưu tầm)
(Là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh ước mong, hy vọng của bà con Brâu ở làng Đăk Mế, xã biên giới Bờ Y về một mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng thường sẽ diễn ra vào tháng 5 âm lịch, khi bà con bắt đầu chuẩn bị trỉa lúa, trỉa bắp, trồng mì…)
Với giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên phong phú, cột mốc ba biên có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch. Một trong những điểm đặc biệt của cột mốc ba biên là vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời mà nó sở hữu. Tây Nguyên, với dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những đồi cà phê, cao su mênh mông. Đứng nơi cột mốc, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, với những thảm rừng nguyên sinh, sông suối và những ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình trong xanh tươi của đại ngàn. Khung cảnh này mang đến một trải nghiệm tuyệt vời, giúp du khách cảm nhận được sự bình yên, tĩnh lặng.
Vào mùa khô Tây Nguyên, hoa dã quỳ bắt đầu nở rộ, phủ vàng khắp các triền đồi và những con đường dẫn lên cột mốc ba biên (Ảnh: NPĐ)
Đến với Kon Tum, du khách có nhiều điểm để thăm quan, check-in. Từ các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi), rừng nguyên sinh như “Đà Lạt thu nhỏ”- khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon PLong), các điểm mang tính di tích như Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ, Nhà Rông- cầu treo Kon KLor (thành phố Kon Tum) đến các điểm du lịch trải nghiệm mới mẻ của huyện Đăk Hà như thác Đăk Pe (xã Đăk Pxy), Đăk Lôi (xã Ngọc Réo), Vườn hoa Long Loi (thị trấn Đăk Hà), và không gian “Đăk Hà ngày mùa” (xã Đăk Mar)... Các hoạt động dã ngoại, cắm trại, chụp ảnh thiên nhiên cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua. Tham quan các làng của người dân tộc thiểu số, tìm hiểu về phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Brâu... Các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật dân gian sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa bản địa.
Là một tỉnh trên vùng cao nguyên lộng gió, nơi mang hơi thở của đại ngàn, đến Kon Tum vào những thời điểm thú vị nhất là tháng 10, 11 âm lịch - đó là vào mùa thu hoạch, tháng 12 là cơ hội ngắm hoa dã quỳ vàng rực cả một góc trời và song song đó là nhiều Lễ hội đặc sắc của Kon Tum. Tỉnh Kon Tum đã và đang đẩy mạnh các chương trình phát triển du lịch bền vững tại khu vực này, nhằm thu hút du khách và tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế cho các cộng đồng ở địa phương.
Cột mốc ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia không chỉ là một điểm du lịch mang đậm giá trị lịch sử mà còn là một địa danh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi du khách có thể trải nghiệm sự giao thoa của ba nền văn hóa, đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên. Với tiềm năng phát triển du lịch to lớn, nơi đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến không thể thiếu cho những ai yêu thích khám phá và tìm hiểu về những giá trị độc đáo của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.
Lê Lợi
(UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà)